Hạ tầng phát triển đang thu hẹp dần khoảng cách giữa TPHCM và các tỉnh thành lân cận, trong đó có tỉnh Đồng Nai. Những dự án cầu đường kết nối giao thông đang hứa hẹn nhiều cơ hội cho những dự án Bất động sản. Ngoài Cầu Cát Lái, những công trình nào sẽ kết nối Đồng Nai với TP.HCM trong thời gian tới?
Cầu Phước Khánh
Ngoài cầu Cát Lái, công trình nào sẽ kết nối Đồng Nai với TP.HCM?
Cầu Phước Khánh kết nối huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) và huyện Cần Giờ (TP.HCM), là thành phần của tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành (thuộc cao tốc Bắc – Nam). Cầu có tổng chiều dài khoảng 3,2km, được thiết kế gồm 4 làn xe chạy với vận tốc 100km/h. Cầu Phước Khánh có tổng mức đầu tư 3.500 tỉ đồng, khi hoàn thành sẽ là cầu dây văng cao nhất cả nước.
Dự án được khởi công năm 2015, đến nay mới chỉ hoàn thành một số hạng mục móng cọc và trụ tháp cầu. Các hạng mục còn lại đang dang dở do một số vướng mắc về nguồn vốn, pháp lý và khó khăn của các nhà thầu. Dự án đặt mục tiêu hoàn thành và đi vào hoạt động năm 2025 đồng bộ với toàn tuyến Bến Lức – Long Thành.
Cầu Nhơn Trạch
Phối cảnh cầu Nhơn Trạch.
Ngày 24/9, cầu Nhơn Trạch được khởi công xây dựng cùng ngày với đoạn 1A tuyến Vành đai 3. Cây cầu dài hơn 2km, có tổng mức đầu tư 1.800 tỉ đồng, kết nối Tân Vạn – Nhơn Trạch thuộc dự án đường vành đai 3 của TP.HCM. Dự án có điểm đầu giao với đường tỉnh 25B thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và điểm cuối giao với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc TP.Thủ Đức (TP.HCM).
Dự án cầu Nhơn Trạch được phê duyệt vào tháng 2/2016, nhưng nhiều lần lỡ hẹn khởi công do gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai. Tháng 6/2022, dự án được điều chỉnh lần cuối cùng, lên kế hoạch khởi công trong tháng 7 nhưng lại tiếp tục bị trì hoãn do chưa có đủ mặt bằng sạch để thi công.
Bộ GTVT đã vào cuộc đốc thúc các địa phương nhanh chóng hoàn thành công tác GPMB để tránh khiếu kiện của nhà thầu quốc tế.
Dự kiến cầu sẽ hoàn thành vào năm 2025 (sau 35 tháng thi công).
Cầu Cát Lái
TP.HCM và tỉnh Đồng Nai đã làm việc nhiều lần về vị trí xây cầu, song chưa chốt được vị trí cuối cùng.
Cầu Cát Lái với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 7.200 tỉ đồng, được Chính phủ giao cho tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm đầu tư. Theo kế hoạch ban đầu, cây cầu sẽ kết nối thành phố Thủ Đức (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Cây cầu được lên kế hoạch từ 20 năm trước đây và đến 2016 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.
Tháng 7/2022, đơn vị tư vấn đưa ra 5 phương án xây cầu Cát Lái. Hai địa phương TP.HCM và tỉnh Đồng Nai đã làm việc nhiều lần về vị trí xây cầu, song chưa chốt được vị trí cuối cùng.
Tháng 10/2022, Sở Giao thông vận tải TP.HCM họp bàn về việc triển khai cây cầu, đưa ra nhận định phương án tuyến của cầu Cát Lái không khả thi do quy hoạch ảnh hưởng đến hoạt động của càng Cát Lái cũng như gây ùn tắc nghiêm trọng tại các tuyến giao thông ở khu vực đường Nguyễn Thị Định và phà Cát Lái.
Sở GTVT TPHCM đề xuất 2 phương án mới, xây cầu kết nối Đồng Nai từ TP.Thủ Đức và quận 7. Cụ thể, Vị trí thứ nhất là xây cầu nối từ đường trục Bắc – Nam (nối quận 7), vượt sông Đồng Nai sang xã Phú Hữu, Phú Đông, huyện Nhơn Trạch. Vị trí thứ hai, kết nối từ TP. Thủ Đức với xã Tam An, huyện Long Thành, Đồng Nai (theo hướng quy hoạch ĐT.777B).
Đoạn 1A Vành đai 3
Dự án Vành đai 3 TP HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch được khởi công ngày 24/9.
Sáng 24/9, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp UBND tỉnh Đồng Nai và TPHCM tổ chức lễ khởi công dự án thành phần 1A của Dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 TPHCM.
Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần rút ngắn thời gian cũng như tạo điều kiện đi lại thuận lợi từ huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đến TPHCM và Bình Dương, tăng cường tính kết nối các đô thị vệ tinh, mở rộng không gian phát triển quỹ đất, dịch vụ, thương mại, công nghiệp, logistics... cho các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Dự án có chiều dài khoảng 8,22km, gồm 6,3km qua địa bàn Đồng Nai và 1,92km đi qua địa bàn TPHCM. Thời gian thi công 3 năm.
Dự án được xây dựng với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 6.956 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 2.251 tỉ đồng
Cao tốc Bến Lức – Long Thành
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công xây dựng vào tháng 7/2014.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công xây dựng vào tháng 7/2014. Đây là dự án trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam với chiều dài hơn 57km đi qua địa phận TP.HCM, Long An và Đồng Nai. Tổng vốn đầu tư hơn 31.000 tỉ đồng (khoảng 1,6 tỉ USD).
Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2019, nhưng ba năm qua phải dừng thi công do khó khăn về nguồn vốn, chính sách. Nhà đầu tư sau đó xin lùi thời gian hoàn thành dự án đến năm 2023 và mới đây nhất là quý 3/2025.
Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây
Đoạn cao tốc đi qua với những hàng cây xanh thẳm hai bên đường - Ảnh: Hữu Khoa.
Dự án khởi công xây dựng vào 3/10/2009 với quy mô 4 làn xe trên tổng chiều dài 55,7 km do Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư với tổng mức đầu tư giai đoạn I: 997,67 triệu USD (tương đương 20.630 tỉ đồng).
Điểm đầu của cao tốc từ nút giao thông An Phú, thuộc TP.Thủ Đức, TP.HCM và điểm cuối là nút giao thông Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Toàn bộ đường cao tốc chính thức thông xe vào tháng đầu tháng 2/2015.
Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây nằm trong tuyến cao tốc Bắc – Nam, có vai trò kết nối, thúc đẩy phát triển nền kinh tế của cả khu vực các tỉnh phía nam với các khu vực còn lại của cả nước.