Chính phủ thống nhất Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tự cân đối, bố trí vốn đối ứng để hoàn thành cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Theo nghị quyết ngày 30/3 của Chính phủ, VEC được giao cân đối vốn đối ứng và triển khai dự án, đảm bảo tránh thất thoát, lãng phí; đúng tiến độ, chất lượng, không để phát sinh tranh chấp và có nghĩa vụ trả nợ với Chính phủ.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài gần 58 km, khởi công tháng 7/2014, điểm đầu ở nút giao cao tốc Trung Lương và vành đai 3 TP HCM (địa phận Long An); điểm cuối giao quốc lộ 51 (Đồng Nai). Tuyến đường được thiết kế giai đoạn một bốn làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, vận tốc 120 km/h.
Đây là công trình trọng điểm quốc gia, dự kiến hoàn thành sau 5 năm, góp phần giảm ùn tắc trên quốc lộ 1, 51, rút ngắn thời gian từ Long An đi TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo đà phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Máy móc phơi nắng mưa sau khi cao tốc Bến Lức - Long Thành ngưng trệ, tháng 3/2023. Ảnh: Gia Minh
Tổng vốn đầu tư của dự án 31.320 tỷ đồng, từ 3 nguồn: Hơn 13.600 tỷ đồng của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB); gần 12.000 tỷ từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); gần 5.700 tỷ đồng còn lại từ nguồn đối ứng trong nước.
Năm 2019, thời điểm dự án phải hoàn thành theo kế hoạch, tổng khối lượng mới đạt 80% thì dự án gặp vướng về thủ tục nên không được bố trí vốn. Chủ đầu tư phải lùi thời gian hoàn thành dự án đến năm 2020 rồi cuối 2023.
Để giải quyết khó khăn, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Thủ tướng lùi thời gian hoàn thành đến tháng 9/2025; đồng thời điều chỉnh cơ chế tài chính với từng nguồn vốn ở dự án.
Trong đó, cho phép VEC dùng hơn 5.100 tỷ đồng từ nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ, cùng vốn hợp pháp để hoàn thành dự án.
Giữa tháng 3, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà thị sát dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, yêu cầu gỡ vướng thủ tục trong tháng 4 và thi công trở lại vào tháng 5.
Tiến độ dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đồ họa: Khánh Hoàng