QUY HOẠCH VÙNG ĐẶC THÙ ĐỂ KHAI THÁC TỐI ĐA GIÁ TRỊ KINH TẾ CỦA SÂN BAY LONG THÀNH

Theo quy hoạch vùng H.Long Thành đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, H.Long Thành sẽ được phân thành 5 phân vùng phát triển. Trong đó, vùng 4 là vùng khu vực chức năng đặc thù của cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành.

 

Sân bay Long Thành được xây dựng với quy mô phục vụ 100 triệu lượt hành khách mỗi năm

* Vùng chức năng đặc thù hơn 9 ngàn ha

Theo phân vùng phát triển trong quy hoạch vùng H.Long Thành đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, phân vùng chức năng đặc thù của sân bay Long Thành có diện tích hơn 9 ngàn ha. Đây là vùng nằm ở trung tâm của 5 phân vùng phát triển của H.Long Thành.

Phân vùng chức năng đặc thù của sân bay Long Thành được quy hoạch với mục tiêu khai thác tối đa giá trị kinh tế do sân bay mang lại thông qua việc phát triển mạnh các trung tâm dịch vụ cấp quốc tế, khu dân cư, ngành công nghiệp phụ trợ và các ngành công nghiệp liên quan đến hàng không, khu logistics quốc tế chất lượng cao. Từ đó, hình thành mô hình phát triển bền vững và linh hoạt có khả năng thích ứng theo thời gian và phát triển hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, phân vùng này cũng sẽ được quy hoạch phát triển nhằm cung cấp hàng loạt các tiện ích đạt tiêu chuẩn quốc tế, tạo dấu ấn và nét đặc trưng về cảnh quan, tính hiện đại cho khu vực cửa ngõ giao lưu quốc tế của Việt Nam.

Theo quy hoạch vùng H.Long Thành đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, H.Long Thành được phân thành 5 phân vùng phát triển gồm: vùng đô thị TT.Long Thành mở rộng và khu phức hợp công nghiệp, đô thị - dịch vụ Long Thành; vùng đô thị Bình Sơn nằm phía Đông - Bắc huyện; vùng dịch vụ thương mại - đô thị hỗn hợp phía Tây huyện; vùng khu vực chức năng đặc thù sân bay Long Thành và vùng công nghiệp đô thị dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao phía Nam sân bay Long Thành.

Đánh giá về quy hoạch phân vùng đặc thù sân bay Long Thành, ông Lê Mạnh Dũng, Phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng cho rằng, sân bay Long Thành phát triển theo dự án riêng. Trong khi đó, vùng bên ngoài sân bay lại bị giới hạn bởi 2 loa tĩnh không nên bị hạn chế về chiều cao trong quá trình phát triển đô thị. Do đó, đối với phân vùng chức năng đặc thù sân bay Long Thành được quy hoạch để phát triển về dịch vụ, các dịch vụ phục vụ cảng hàng không, logistics, văn phòng, các khu triển lãm, kho bãi… phục vụ hội nghị, hội họp cho khách du lịch quốc tế là phù hợp.

Trên thực tế, sân bay Long Thành được quy hoạch xây dựng với công suất phục vụ 100 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 5 triệu tấn/năm bao gồm đường băng, nhà ga hàng không, các cơ sở hạ tầng dịch vụ sân bay và các tiện ích kèm theo sẽ tạo ra động lực phát triển rất lớn cho nhiều ngành kinh tế trong tương lai, trong đó có ngành công nghiệp hàng không. Chính vì vậy, việc quy hoạch một khu vực đặc thù ngay dự án sân bay lớn nhất của cả nước sẽ tạo ra tiền đề thuận lợi cho quá trình phát triển.

Ông Bùi Đào Thái Trường, Phó tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Roland Berger (Đức), công ty tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới cho rằng, Đồng Nai có rất nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp hàng không nhằm lấp đầy nhu cầu. Việc xây dựng sân bay Long Thành sẽ mở ra cơ hội mới cho các dịch vụ bảo dưỡng, đại tu, sửa chữa máy bay và các công nghiệp hỗ trợ khác.

“Việt Nam hiện nay chỉ có một vài nhà sản xuất linh kiện máy bay nằm rải rác. Do đó, đây là tiềm năng cho một khu công nghiệp hàng không liên kết và tập trung” - ông Bùi Đào Thái Trường cho biết.

* Hoàn thiện sớm mạng lưới giao thông kết nối

Để tạo động lực phát triển cho phân vùng đặc thù sân bay Long Thành, một trong những yếu tố quyết định là phải tổ chức mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối hiệu quả từ khu vực lập quy hoạch đến trung tâm TP.HCM và toàn bộ những điểm đến khác trong vùng TP.HCM bằng nhiều loại phương tiện khác nhau.

 

Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ở phía Bắc sân bay Long Thành là trục kết nối quan trọng giữa sân bay này với TP.HCM. Ảnh: P.Tùng

Về đường bộ, tuyến kết nối quan trọng nhất từ khu vực sân bay Long Thành đến trung tâm TP.HCM chính là đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuyến đường này đã được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 2015. Tuy nhiên, với lượng hành khách và hàng hóa được dự báo sẽ tăng cao khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, trục kết nối giao thông quan trọng này cần được đầu tư mở rộng sớm để đáp ứng nhu cầu. Hiện nay, dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã được hoàn thiện và đang cân nhắc phương án vốn để thực hiện.

Ngoài đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, trục kết nối từ tuyến đường kết nối sân bay số 2 qua đường 25C vượt cầu Cát Lái cũng là một tuyến giao thông kết nối quan trọng sẽ được đầu tư xây dựng để kết nối sân bay Long Thành với TP.HCM.

Bên cạnh 2 tuyến đường bộ nói trên, dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành cũng là tuyến giao thông kết nối quan trọng trong quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối cho sân bay Long Thành.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành khi hoàn thành xây dựng sẽ giải quyết rất tốt việc đi lại giữa sân bay với TP.HCM. Do đó, dự án này cần được “khởi động” sớm.

“Hiện nay, tuyến đường sắt này đã có trong quy hoạch, nhiều nhà đầu tư cũng đã tìm hiểu và bày tỏ mong muốn được tham gia đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.

Nguồn: Quy hoạch vùng đặc thù để khai thác tối đa giá trị kinh tế của sân bay Long Thành - Báo Đồng Nai điện tử (baodongnai.com.vn)