Phủ cao tốc, tạo sức bật mới cho 'đầu tàu' Đông Nam bộ

Vùng Đông Nam bộ được xác định là đầu tàu kinh tế của cả nước, tuy nhiên, lâu nay, sự hạn chế về hạ tầng giao thông kết nối chính là “điểm nghẽn” khiến cho sự phát triển của vùng chưa tương xứng với tiềm năng.

Chính vì vậy, với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông mang tính kết nối vùng chuẩn bị được khởi động thực hiện mang đến kỳ vọng phá vỡ thế “co cụm” trong liên kết vùng. Từ đó, tạo ra sự đột phá và là cú hích cho nền kinh tế.

Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng nhất của Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - một nghị quyết “vô tiền khoáng hậu” nhằm đặt ra nền móng phát triển cho toàn vùng, bởi hạ tầng giao thông chính là điểm nghẽn lớn nhất của Đông Nam bộ lâu nay.

Với 2 dự án đường cao tốc đã được triển xây dựng và hàng loạt dự án khác đang chờ ấn nút “khởi động”, thời gian tới, vùng Đông Nam bộ sẽ đón nhận thêm hàng trăm km đường cao tốc. Kỳ vọng “phủ sóng” đường cao tốc cho vùng kinh tế đầu tàu của cả nước cũng đang dần được hiện thực hoá.

Dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác trong dịp 30-4-2023 (Ảnh thi công nút giao giữa đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây)

 

Hiện nay, vùng Đông Nam bộ đang đóng góp 32% cho GDP của cả nước, dự tính khi các đường cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây, Bến Lức- Long Thành hoàn thành đưa vào khai thác sẽ tạo đột phá cho phát triển kinh tế của vùng cũng như cả nước. Đông Nam bộ sẽ là nơi thu hút được nhiều dòng vốn chất lượng cao của doanh nghiệp trong nước, nước ngoài vào các lĩnh vực.

Ngày 30-9-2020, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, dự án thành phần của dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được chính thức khởi công xây dựng. Dự án có chiều dài 99km với tổng mức đầu tư xây dựng hơn 7,2 ngàn tỷ đồng.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ chính thức hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng như tình trạng khan hiếm vật liệu, biến động tăng giá vật liệu xây dựng, mốc hoàn thành dự án ban đầu đã không thể “về đích” đúng hẹn.

Ngày 31-12-2022, dự án đường cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây đã được chủ đầu tư thông xe kỹ thuật phần tuyến chính.

Cuối năm 2022, trong lần đầu tiên đi kiểm tra thực tế tiến độ xây dựng dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu các đơn vị liên quan phải tập trung thi công để hoàn thành toàn bộ dự án, đưa vào khai thác trước ngày 30-4-2023. “Chúng ta không còn đường lùi nữa. Đúng ra, dự án phải khánh thành vào ngày 31-12-2022, nhưng Bộ GT-VT phải xin Thủ tướng lùi lại sang năm”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh tại buổi kiểm tra thực tế.

Tháng 3-2023, trong chuyến kiểm tra thực tế và làm việc với chủ đầu tư và các đơn vị thi công, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng tiếp tục khẳng định việc phải hoàn thành và đưa vào khai thác dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây trong dịp 30-4-2023.

Cùng với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng đang bước vào giai đoạn tăng tốc để về đích sau thời gian phải ngưng thi công kéo dài do các vướng mắc về mặt bằng và nguồn vốn.

Cao tốc Bến Lức- Long Thành có chiều dài 58km, kéo dài từ H.Bến Lức (Long An) đến H.Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Dự án khi hoàn thành sẽ là tuyến huyết mạch kết nối các tỉnh miền Tây sang miền Đông thông qua kết nối với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ, vùng Đông Nam bộ sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây, các tuyến cao tốc nối TP.HCM với các cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng và các đường vành đai thuộc khu vực TP.HCM; cùng với 20 tuyến quốc lộ dài khoảng 1.743km sẽ đảm nhận vận tải hành khách, hàng hóa để kết nối liên vùng. Bộ GT-VT dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Đông Nam bộ khoảng 413 ngàn tỷ đồng. Dự án được khởi công từ tháng 7-2014, một số đoạn tuyến sử dụng các nguồn vốn khác nhau nên không triển khai đồng thời tại cùng thời điểm khởi công. Từ đầu năm 2019, dự án đang trong quá trình thực hiện thì gặp nhiều vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật dẫn đến không được bố trí vốn để tiếp tục thực hiện.

Trong chuyến kiểm tra thực tế dự án vào giữa tháng 3 vừa qua, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ KH-ĐT phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương thực hiện dự án, tính đến nguồn vốn của các nhà tài trợ ảnh hưởng đến tiến độ dự án; cơ chế sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) để làm vốn đối ứng, vốn đầu tư cho dự án.

 

Thi công dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua địa bàn H.Long Thành Thi công dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua địa bàn H.Long Thành

Ngay sau đó, Bộ GT-VT phải hoàn thành các thủ tục cần thiết để VEC có thể thực hiện đấu thầu các gói thầu còn lại trong thời gian ngắn nhất. VEC bàn với đơn vị tư vấn kỹ thuật để rút ngắn thời gian thi công, hoàn thành hai cầu Bình Khánh, Phước Khánh, sớm vận hành toàn tuyến cao tốc. “Phải bù lại thời gian chậm ba năm chín tháng. Các bộ, ngành phải khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao nhất” - Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu Bộ GT-VT phối hợp với VEC làm việc với tư vấn nước ngoài để có giải pháp rút ngắn thời gian hoàn thành dự án, phấn đầu tiến độ hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch vào ngày 30-9-2025.

Tháng 6-2022, Quốc hội chính thức thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư 2 dự án đường cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu và đường Vành đai 3-TP.HCM. Đây là 2 dự án giao thông đặc biệt quan trọng đối với liên kết Vùng Đông Nam bộ.

Với vị thế vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước, vùng Đông Nam bộ cũng là vùng có hệ thống đô thị phát triển bậc nhất, trong đó, TP.HCM đóng vai trò đô thị trung tâm, đô thị lớn nhất vùng và của cả nước. Theo dự kiến, cả 2 dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2023, hoàn thành cơ bản vào năm 2025 và khai thác đồng bộ vào năm 2026.

Giữa tháng 2-2022, tỉnh Đồng Nai đã chính thức phê duyệt đầu tư dự án thành phần 1, dự án đường cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu giai đoạn 1. Trước đó, Bộ GT-VT và tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cũng đã phê duyệt đầu tư đối với các dự án thành phần 2 và 3.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, quốc lộ 51 hiện đã thực sự trở nên quá tải. Do đó, việc thực hiện đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cần phải nhanh chóng được thực hiện để giải quyết nhu cầu giao thông. Đặc biệt là khi dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác.

Cũng trong tháng 2-2022, tỉnh Đồng Nai cũng chính thức phê duyệt đầu tư đối với dự án thành phần 3, dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM.

Cao tốc Biên Hoà- Vũng Tàu khi hoàn thành xây dựng sẽ góp phần giảm tải cho quốc lộ 51 vốn đã quá tải từ lâu  

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, đầu tháng 3 vừa qua, lãnh đạo các địa phương đã có buổi làm việc để đánh giá tiến độ giải phóng mặt bằng và cam kết bảo đảm mốc thời gian khởi công dự án. “TP.HCM là địa phương có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn nhất khi thực hiện dự án đường Vành đai 3 -TP.HCM. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng TP.HCM vẫn sẽ cơ bản đáp ứng điều kiện để khởi công dự án trước thời điểm 30-6-2023”- ông Phan Văn Mãi cho biết.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, các đơn vị liên quan đã có sự nỗ lực rất lớn để theo kịp tiến độ Chính phủ đề ra đối với dự án đường Vành đại 3 - TP.HCM. Hiện nay, các khu tái định cư đã có sẵn để bố trí cho người dân đến xây dựng nhà cửa, chuyển tới sinh sống: “Riêng đối với dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM, Đồng Nai cam kết bảo đảm tiến độ mặt bằng chung để khởi công trước ngày 30-6 tới”, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho hay.

Tương tự, các tỉnh Long An và Bình Dương cũng dốc sức để thực hiện giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM đi qua địa bàn.

Cùng với 2 dự án trên, các địa phương trong vùng cũng đang tích cực chuẩn bị để hoàn thiện các thủ tục đầu tư đối với hàng loạt tuyến cao tốc khác như: TP.HCM - Mộc Bài; TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; đường Vành đai 4-TP.HCM.

Theo thống kê, hiện dân số toàn vùng Đông Nam bộ khoảng 18,3 triệu người, chiếm 22% dân số cả nước; trong đó có tới 14,9 triệu người ở khu vực đô thị, đạt tỷ lệ đô thị hóa hơn 67%, cao nhất trong các vùng kinh tế - xã hội của cả nước và cao hơn nhiều tỷ lệ đô thị hóa bình quân chung cả nước năm 2022 là 41%.

Phạm Tùng - Hương Giang - Vi Lâm