Phó thủ tướng: Khởi động lại dự án cao tốc Bến Lức vào tháng 5

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành phải được gỡ vướng thủ tục trong tháng 4, thi công trở lại một tháng sau đó, theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC - chủ đầu tư) thực hiện tiến độ dự án như trên, sau chuyến thị sát công trình đoạn qua huyện Bình Chánh, TP HCM, chiều 13/3.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà (hàng đầu, bên trái) thị sát dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn TP HCM. Ảnh: Giang Anh

Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài gần 58 km, tổng đầu tư hơn 31.300 tỷ đồng, nối Long An, TP HCM và Đồng Nai. Khởi công năm 2014, dự án ban đầu được dự tính hoàn thành năm 2019, song gặp nhiều vướng mắc, nhất là nguồn vốn nên ngưng trệ hơn ba năm qua, dù đạt 81% khối lượng.

Ông Hà cho biết công trình đã chậm 3 năm 9 tháng, nhưng hai tháng qua khi giữ chức Phó thủ tướng, ông chưa nghe báo cáo tình hình dự án, chỉ biết khi báo chí lên tiếng. "Hiện, vốn dự án không phải vấn đề nữa, mà chỉ vướng thủ tục hành chính nên các bộ, ban ngành liên quan tháng 4 phải tháo gỡ. Tháng 5 dự án phải được thẩm định kỹ thuật để khởi động lại, nhất là hạng mục hai cây cầu", ông Hà nói.

Phó thủ tướng đề cập sự bất hợp lý khi dự án tắc vốn thời gian dài, trong khi chủ đầu tư có thể cân đối từ nguồn thu phí nhàn rỗi mà đơn vị đang quản lý để hoàn thành công trình lại không thể sử dụng. "VEC có tiền thu phí từ các cao tốc khác và nguồn này đang gửi ngân hàng mà dự án lại không có tiền để thi công. Đây là điều bất hợp lý, vì tiền nào chẳng là tiền nhà nước", ông nói và yêu cầu vướng mắc về cơ chế cần giải quyết sớm để khởi động lại cao tốc.

Công trường cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn gần quốc lộ 50, huyện Bình Chánh. Ảnh: Thanh Tùng

Theo Tổng giám đốc VEC Phạm Hồng Quang, từ đầu năm 2019 cao tốc Bến Lức - Long Thành đang tập trung triển khai thì gặp vướng về cơ chế, chính sách dẫn tới không được bố trí vốn. Điều này khiến nhiều gói thầu của dự án phải dừng thi công, một số nhà thầu chấm dứt hợp đồng, khiếu kiện chủ đầu tư về các chi phí phát sinh. Tuy nhiên, việc tái khởi động dự án đang gặp nhiều khó khăn về thủ tục cấp vốn, huy động lại nhà thầu...

Để giải quyết các khó khăn, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Thủ tướng duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tuyến cao tốc, bao gồm lùi thời gian hoàn thành đến tháng 9/2025. Bộ cũng kiến nghị điều chỉnh cơ chế tài chính đối với từng nguồn vốn ở dự án, trong đó cho phép VEC sử dụng hơn 5.100 tỷ đồng từ nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ, cùng vốn hợp pháp của đơn vị này để hoàn thành các phần việc còn lại tại dự án.

Khu vực xây dựng nhà ga sân bay Long Thành, chiều 13/3. Ảnh: Phước Tuấn

Chiều cùng ngày, làm việc với Tổng công ty hàng không Việt Nam về đề xuất xin lùi thời gian hoàn thành dự án sân bay Long Thành sang năm 2026, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu phải cần hoàn chỉnh hồ sơ, các cơ sở chứng minh vì sao phải kéo dài thực hiện gói thầu lên 39 tháng trước khi tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tới. "Dự án chậm phần lớn do nguyên nhân chủ quan, thiếu kinh nghiệm phải đấu thầu nhiều lần, đây là trách nhiệm của các đơn vị liên quan", ông Hà nói.