Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ trần lãi suất huy động

Ngân hàng Nhà nước cuối ngày 23/5 thông báo giảm trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng xuống 5% một năm.

 

Quyết định giảm lãi suất có hiệu lực từ ngày 25/5.

 

Lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5% một năm, lãi suất với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5% xuống 5% một năm. Riêng lãi suất tối đa với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6% xuống 5,5% một năm.

Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn do các ngân hàng ấn định trên cơ sở cung cầu vốn thị trường.


Lãi suất (%/năm) Mới
 Trần lãi suất huy động từ 01 tháng đến dưới 06 tháng 5.5% 5%
 Lãi suất cho vay qua đêm và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn 6% 5.5%
 Tái cấp vốn 5.5% 5%


Ngoài việc giảm trần lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục điều chỉnh lãi suất điều hành.

Trong đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng giảm từ mức 6% xuống 5,5% một năm, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5,5% xuống 5%. Riêng lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5% một năm.

Đây là lần thứ hai kể từ đầu năm nay Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động và giảm lãi suất điều hành. Trước đó, đầu tháng 4, trần lãi suất tiền gửi 1-6 tháng điều chỉnh từ 6% xuống 5,5%. Ngày 14/3, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm 1% các loại lãi suất điều hành gồm tái chiết khấu và cho vay qua đêm.

 


Giảm trần lãi suất huy động và điều hành, theo Ngân hàng Nhà nước là "bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới". Đây là tín hiệu định hướng các nhà băng giảm lãi suất cho vay.

Quyết định giảm lãi suất của cơ quan điều hành được đưa ra trong bối cảnh kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

 

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cho biết kinh tế có dấu hiệu xấu đi từ cuối năm 2022, kéo dài sang đầu năm 2023, kết quả là tăng trưởng GDP quý I chỉ tăng 3,32%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm nay, bình quân mỗi quý còn lại năm nay phải tăng khoảng 7,5%.

 

Những khó khăn trên thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp khiến doanh nghiệp khó tiếp cận và hầu như không huy động được vốn. Các động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là sản xuất công nghiệp giảm, trên đà suy yếu.

 

Doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền, nhưng tiếp cận vốn vay cũng khó khăn, lãi suất cao. Theo báo cáo của Chính phủ, bình quân lãi suất cho vay mới là 9,3% nhưng số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, lãi suất cho vay bình quân tại 35 ngân hàng thương mại tới cuối tháng 3 khoảng 10,23%, cao hơn 0,56 điểm % so với cuối 2022.

 

Trong cuộc họp cuối tháng 4, Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng thương mại Nhà nước sử dụng tối đa các biện pháp để giảm chi phí, hạ lãi suất nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp.

 

Theo VnExpress